Có bao giờ trong lúc làm việc bạn cảm thấy căng thẳng và muốn hít thở một chút dư vị của cuộc sống không nào? Không khí thật trong lành, mát mẻ thì mới có thể tập trung làm việc có hiệu quả cao được đúng không?
1. Những điều đặc biệt có thể bạn chưa biết về cây phú quý?
Phú quý nguyên thủy lúc đầu là loại cây phú quý xanh là một giống cây lai tạo, có tên khoa học là Aglaonema hybrid. Tuy nhiên sau đó được nhà thực vật học Gregori người Indonesia nghiên cứu làm biến đổi màu xanh của lá sang thành màu đỏ hồng rất đẹp mắt vào năm 1982.
Cây có sức sinh trưởng khá tốt, đẻ nhánh nhanh, khi trồng thủy sinh cây có chiều cao khoảng từ 25cm – 50cm nhưng trồng trên đất thì cao lớn hơn nhiều.
Thân cây màu trắng hồng nền nã, lá màu xanh được bao bọc bởi các viền xung quanh màu đỏ hồng, đậm dần vào bên trong. Đặc biệt rễ cây rất to khỏe, nhiều rễ con với sức sống mạnh mẽ.
Hoa cây phú quý thường ra vào mùa hè, mọc thành cụm màu vàng nhạt, ôm lấy xung quanh là mo hoa màu trắng và sau khi hoa tàn thì cây cho quả màu cam hoặc đỏ mọng nhìn rất rực rỡ, thu hút ánh nhìn.
Tuy nhiên muốn nhìn thấy cây phú quý ra hoa quả thực là một điều khó khăn bởi cây rất hiếm khi ra hoa, bạn cần phải chăm sóc kĩ, cho cây tiếp xúc đủ nắng kèm các loại phân bón, chất kích thích thì mới có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của hoa phú quý. Cũng vì lí do đó mà mỗi lần phú quý ra hoa là đồng nghĩa với nhiều tài lộc, may mắn sắp tìm đến với bạn rồi đó.
2. Ý nghĩa phong thủy mà cây phú quý đem lại
Khi nhắc đến phú quý thì người ta không thể nào không nói đến ý nghĩa về mặt phong thủy mà nó mang lại. Chỉ từ cái tên thôi cũng đủ cảm thấy loài cây có ý nghĩa vô cùng tốt đẹp. Từ phú chỉ sự giàu sang, tiền tài và từ quý chỉ sự sang trọng, quý phái. Chính điều đó cây phú quý trồng trong nhà sẽ đem lại nhiều tài lộc, tiền tài và cả sự sang trọng, quý phái cho gia đình của mình.
Bên cạnh đó, màu đỏ trên cấy phú quý là màu rất được người phương đông nói chung và người Việt ta nói riêng rất ưa thích. Bởi đó là hiện thân của sự may mắn, hoan hỷ và gắn liền với những thứ tốt đẹp. Chính vì thế nhiều người luôn đồng ý với quan niệm rằng cây phú quý phát tài và mang những điều tốt lành, bình an.
Không những vậy, hòa quyện hài hòa với hai màu đỏ và xanh, cây phú quý mang một vẻ đẹp vô cùng quý phái, sang trọng mà không kém phần rực rỡ rất hợp cho những quý cô yêu mến loài cây này.
3. Cách trồng bình phú quý thủy sinh cực kì xinh xắn tại nhà ai cũng có thể làm được
Một bình phú quý thủy sinh sẽ gọn nhẹ, sạch sẽ và đặc biệt mang lại cảm giác thư giãn, thư thái hơn rất nhiều so với bình phú quý trồng bằng đất thông thường, bởi nó là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của nước, thiên nhiên tạo nên một bức tranh thủy mạc vô cùng nên thơ, hữu tình.
Vì vậy ngại ngần gì nữa mà không cùng Nông nghiệp phố bắt tay vào trồng ngay đi nào!
a. Chuẩn bị cây con
Đối với cây phú quý thì bạn nên chọn mua cây giống nuôi cấy mô ở các cửa hàng cây giống có uy tín vì có ưu điểm là cây con sẽ sạch bệnh, sinh trưởng khỏe mạnh, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường.
Hoặc bạn có thể tạo cây con bằng cách tiến hành giâm cây giống cắt từ các thân hoặc tách khóm cây con đã mọc từ gốc rễ cây trưởng thành trong môi trường đất giâm để cho cây ra rễ
Giá thể giâm giống bạn có thể sử dụng giá thể mụn dừa, giá thể Peatmoss… Sau đó bạn cho giá thể vào các chậu nhựa mềm đã chuẩn bị và tiến hành cho cành giâm vào, lấp lại bằng giá thể giâm.
Để kích thích cành giâm ra rễ nhanh và đều thì nên pha thêm dung dịch kích thích ra rễ ngâm cùng như N3M, Rooting powder, Roots 2, Bimix Super Root…
Thường xuyên tưới nước và quan sát khoảng sau 1 tháng đến khi cây con đã ra rễ đầy đủ cao khoảng 15-20 cm và có 4-5 lá thật thì ta tiến hành bứng đem qua chậu trồng thủy sinh.
b. Tiến hành trồng
Bước 1: Chuẩn bị chậu
Đầu tiên bạn cần phải chuẩn bị chậu phù hợp với khả năng sinh trưởng của cây. Nhưng nếu muốn ngắm nhìn toàn bộ vẻ đẹp kiêu sa của cây phú quý đặc biệt là bộ rễ của nó thì nên trồng cây trong chậu thủy tinh trong suốt.
Bước 2: Pha dung dịch dinh dưỡng thủy canh
Kế tiếp, để cây phát triển tốt trong môi trường nước cần thêm dung dịch dinh dưỡng cho cây thuỷ canh. Nước để pha chế với dung dịch thủy canh phải đảm bảo là nước sạch (pH khoảng 6.0 – 6.8) và đã được khử trùng.
Sau đó rửa sạch bình thủy tinh và tiến hành pha 15ml dung dịch thủy canh, thủy sinh Hydroponic cho 1lít nước sạch.
Bước 3: Trồng cây thôi nào
Tiếp theo, bạn tiến hành nhổ cây phú quý lên một cách cẩn thận, rửa nhẹ rễ và lá dưới vòi nước, không được chà xát mạnh vào rễ vì sẽ khiến các lông hút của rễ bị tổn thương không hút được nước. Rửa sạch không còn chất hữu cơ, đất, cắt bỏ những rễ già, khô mục…
Cuối cùng, bạn đem ngâm rễ trong nước sạch khoảng 2 ngày để cây làm quen với môi trường nước rồi sau đó đặt cây vào bình thủy tinh đã chuẩn bị sẵn dung dịch thủy canh.
Đồng thời bạn cũng có thể cho thêm một ít đá màu trắng hoặc màu gì bạn thích để tô điểm cho chậu cây của mình thêm phần quyến rũ.
c. Chăm sóc chậu cây phú quý thủy sinh
Lượng nước
Phú quý là một loại cây ưa bóng, có tốc độ sinh trưởng tốt, nhanh ra lá mới, và do bộ rễ khá sum xuê nên khả năng hút nước và thoát nước cao nên nhu cầu nước cũng tăng cao, Vì vậy việc chú ý đến mức nước ở trong bình để không bị cạn là điều cần thiết nhất.
Vào mùa nắng, thời tiết nắng nóng nên cây thoát hơi nước nhanh, do đó bạn cần thay nước và bổ sung dung dịch dinh dưỡng thủy canh thường xuyên với mức độ 5-7 ngày/ lần. Tuy nhiên, vào mùa mưa tốc độ thoát hơi nước chậm nên sau 7-10 ngày thay nước cho cây 1 lần.
Ánh sáng
Dù là cây ưa bóng nhưng đây là cây lá màu, có nhiều sắc tố, nên thỉnh thoảng ta cũng phải đưa cây ra hứng nắng vào buổi sáng để cho cây có thể quang hợp tốt, làm cho cây cứng cáp, lá đẹp hơn.
Tốt hơn hết là nên đưa cây ra hứng ánh sáng liên tục trong 2h vào buổi sáng từ 7h đến 9h một tuần ít nhất một lần. Đồng thời cây còn có thể trồng được trong nhà, nơi ít ánh sáng và trong môi trường máy lạnh.
Sâu bệnh hại
Nếu ở môi trường ít ánh sáng, ẩm thấp cây sẽ dễ bị bệnh thối lá, khi đó hãy dùng kéo cắt các phần lá bị thối, cắt cả lá đến sát phần cuống nếu bị thối ở cuống lá, dùng vòi nước để rửa sạch toàn bộ cây, nhất là rửa sạch các chỗ bị thối, rửa sạch bình và thay nước trong bình rồi đưa cây ra chỗ thoáng mát, có ánh nắng buổi sáng.
Đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị giâm cây con bạn có thể bổ sung thêm chế phẩm nấm Tricoderma để tăng cường hệ vi sinh có lợi trong đất, hạn chế được một số nấm bệnh, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh.
Đồng thời trong quá trình trồng cây trong môi trường thủy canh, nếu thấy bộ rễ bị thâm đen, có mùi thối, cây vàng lá liên tục thì phải bổ sung chất OLC (chất tăng oxy trong nước), liều lượng khoảng 1-2g/ 10 lít nước, nhằm giúp hệ rễ của cây hô hấp tốt hơn.
Cây phú quý là loài cây chống chịu tốt, rất ít sâu bệnh hại. Tuy nhiên thỉnh thoảng cây có thể bị các loại sâu ăn lá tấn công thì bạn có thể dùng tay bắt trực tiếp.
Hoặc nếu bạn là một người sợ các loại sinh vật lúc nhúc này thì có thể sử dụng các chế phẩm trừ sâu sinh học để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình mà vẫn diệt trừ được sâu hại như dịch tỏi, hoạt chất sinh học Neem Chito, Radiant…
4. Cây phú quý có độc không?
Mình có nghe những tin đồn thổi cho rằng phú quý là cây có tính độc. Tuy nhiên các nhà khoa học đã nhận định cây phú quý không hề độc, mà ngược lại nó giúp thanh lọc không khí, lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực giúp bạn hoàn thành công việc một cách tốt hơn. Vì vậy, bạn có thể yên tâm chăm sóc và cắt tỉa cây thoải mái mà không cần lo lắng gì đâu.