0877907790

Công dụng bất ngờ của cây khế

Khế là loài cây quen thuộc tại Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng quê. Không chỉ quả khế, mà ngay cả lá, hoa, vỏ hay rễ cây khế đều có thể dùng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh phổ biến. Vậy tác dụng của cây khế là gì?

1. Đặc điểm cây khế

Khế có tên khoa học là Averrhoa carambola. Đây là loài cây thuộc họ Chua me đất – Oxalidaceae.

Đặc điểm của cây khế bao gồm:

  • Cây thân gỗ cao, có thể đến 12m. Thân cây phân nhiều nhánh, các nhánh cây khá giòn, dễ gãy;
  • Lá khế là dạng lá kép lông chim, 3 – 5 đôi lá chét, phiến lá giống như trái xoan nhọn;
  • Hoa khế nhỏ, hoa mọc thành cụm, có màu hồng tím, hơi pha trắng;
  • Quả khế chín có màu vàng và vì có 5 múi nên khi cắt ngang có hình ngôi sao. Do đó khế có tên tiếng Anh là Star fruit. Hiện nay có 2 giống khế thường gặp là khế quả chua (rất chua) và khế quả ngọt (vừa chua vừa ngọt);
  • Hạt khế nhỏ, được áo bên ngoài hạt là lớp màng trong suốt và hơi nhầy;
  • Thời điểm ra hoa vào tháng 4 – 8, sai quả vào tháng 10 – 12.

Để tận dụng những công dụng của khế, người ta thường lấy phần vỏ cây, hoa, lá, rễ và quả khế để bào chế thành các bài thuốc khác nhau.

Nguồn gốc của cây khế là ở Malaysia và Ấn Độ. Hiện nay, loài cây này đã được di thực và trồng phổ biến ở nước ta. Phần hoa và quả khế được thu hái theo mùa còn phần lá, rễ và thân cây khế có thể được thu hái quanh năm.

2. Tác dụng của cây khế là gì?

Trong quả khế chứa nhiều thành phần dinh dưỡng dồi dào, bao gồm chất xơ, protein, vitamin A, K, E, B5, C, các nguyên tố vi lượng như kali, magie, đồng và các hợp chất từ thực vật như gallic acid, quercetin, epicatechin…

Công dụng của cây khế theo Đông y:

  • Công năng: Công dụng của quả khế bao gồm lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, tiêu viêm, long đờm, thanh nhiệt, giải uế, khử phong. Phần rễ cây khế có tác dụng chỉ thống, trừ phong thấp. Phần hoa khế có khả năng trị sốt rét còn phần lá và thân cây khế có công dụng lợi tiểu, tiêu viêm;
  • Chủ trị: Đau khớp, đau đầu mãn tính, sốt cao do lách to, đau họng, ho kéo dài, viêm dạ dày, sổ mũi, đau nhức do chấn thương viêm mủ ngoài da, thận hư, sởi…

Tác dụng của cây khế theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Hợp chất beta-carotene trong quả khế giúp cải thiện thị lực, kích thích vị giác, thúc đẩy quá trình trao đổi chất;
  • Thành phần có vitamin C và hàm lượng flavonoid dồi dào nên công dụng của quả khế giúp thải trừ các gốc tự do, gia tăng quá trình tổng hợp collagen, bảo vệ mạch máu và duy trì sức khỏe hệ xương khớp;
  • Các hợp chất chống oxy hóa từ quả khế có tác dụng hỗ trợ quá trình thải độc tố, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các loại tế bào ung thư;
  • Hàm lượng chất xơ dồi dào trong khế mang lại khả năng cải thiện, tăng nhu động ruột, hạn chế bệnh táo bón, đồng thời còn còn giúp kiểm soát đường huyết và giảm men gan;
  • Hàm lượng pectin trong quả khế giúp hạ cholesterol, bảo vệ tế bào gan, kiểm soát cân nặng;
  • Quả khế chứa một hàm lượng canxi dồi dào, vì vậy sử dụng nước ép khế giúp ngăn ngừa loãng xương và các bệnh xương khớp mãn tính;
  • Bên cạnh đó, quả khế có khả năng ức chế một số vi khuẩn thường gặp như E. coli, Salmonella typhi, Microbial bacillus cereus…;
  • Lá khế mang đặc tính sát trùng, ức chế quá trình dị ứng nên có thể trị bệnh ung nhọt, chàm da hay rôm sảy ở trẻ nhỏ;
  • Vỏ thân và rễ khế có vị chua, chát, hơi ngọt, tính bình. Bộ phận này giúp chữa bệnh đau khớp, đau đầu mãn tính, viêm dạ dày, viêm ruột, tiểu ít, chữa sởi, viêm họng ở trẻ.

3. Một số bài thuốc ứng dụng những tác dụng của cây khế

3.1. Chữa lở sơn

Nguyên liệu: Lá khế tươi dùng riêng khoảng 40g hoặc có thể kết hợp thêm lá muồng truổng (mỗi thứ 20g).

Đem nguyên liệu đi giã nát, sau đó gói vào vải sạch và tiến hành đắp lên chỗ bị lở sơn.

Ngoài ra, công dụng của quả khế giã nát và đắp lên da cũng có thể điều trị chứng bệnh này.

3.2. Chữa dị ứng, mề đay, mẩn ngứa, lở loét

Người bệnh có thể dùng lá khế đã giã nát để xoa bóp và đắp lên vùng da bị dị ứng. Đồng thời nên sắc 16g vỏ núc nác để uống giúp tăng hiệu quả trị bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân nên sử dụng lá của các loại cây sau: khế, thanh hao, long não, thông; mỗi vị 15-20g lá để nấu nước tắm hàng ngày.

3.3. Phòng sốt xuất huyết trong mùa dịch

Nguyên liệu bao gồm lá khế 16g, lá dâu, sắn dây, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi vị 12g. Đem tất cả đi sắc lấy nước uống thay nước hàng ngày để phòng ngừa sốt xuất huyết.

Đặc biệt, khi đang bị sốt xuất huyết và xuất hiện mẩn ngứa trên da cũng có thể dùng lá khế để sắc uống, hoặc thêm lá khế vào các bài thuốc chữa sốt xuất huyết khác.

3.4. Thuốc thúc sởi, làm sởi nhanh mọc và mọc đều

Nguyên liệu: Quả khế thua hái về đem thái lát phơi khô lấy 20g, rau dệu 20g, lá nọc sởi 20g, canh châu 20g, sau đó đem tất cả các nguyên liệu đi sao vàng hạ thổ, sau đó sắc lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày. Ngoài ra, người bị sởi còn có thể dùng vỏ cây hoặc vỏ rễ cây khế, cạo bỏ lớp ngoài và lớp vỏ xanh để sao vàng và sắc lấy nước uống với liều lượng khoảng 20-40g một ngày.

3.5. Trị cảm nắng

Lấy lá khế tươi khoảng 20g kết hợp 10g lá chanh, đem đi giã nát và vắt lấy nước uống.

3.6. Chữa sốt cao co giật ở trẻ em

Đem các nguyên liệu bao gồm hoa khế 8g, hoa kim ngân 8g, lá dành dành 8g, cỏ nhọ nồi 8g, cam thảo 4g, bạc hà 4g để sắc lấy nước đặc và chia làm nhiều lần uống trong ngày.

3.7. Chữa hen suyễn, ho gà, ho có đờm và viêm họng

Có thể áp dụng các cách sau đây để chữa bệnh:

  • Lấy 12g Hoa khế đem đi tẩm gừng rồi sao vàng và sắc nước uống;
  • Lấy 20g lá khế đem rửa sạch, sắc tới khi còn 100ml nước thì chia làm 2 lần uống trong ngày;
  • 60 – 80g khế tươi sắc lấy nước uống;
  • Lấy vỏ thân cây khế cạo hết vỏ ngoài và vỏ xanh, sau đó thái nhỏ, đem đi sao vàng rồi lấy khoảng 20g sắc cùng 8 – 12g rễ cây đơn châu chấu và 4g trần bì, chia làm nhiều lần uống trong ngày.

3.8. Một số công dụng khác của cây khế

Trị chứng tiểu buốt và ra máu, viêm bàng quang, viêm âm đạo: Lấy 80g lá khế cùng 50g rễ cỏ chanh để đi sắc lấy nước uống.

Chữa tiểu không thông: Dùng 7 quả khế chua, mỗi quả cắt lấy 1⁄3 phía cuống. Sau đó đổ vào một bát nước, sắc đến khi còn nửa bát và uống khi còn ấm. Đồng thời, người bệnh nên kết hợp với bài thuốc dùng 1 quả khế và 1 củ tỏi, giã nát và đắp lên phần rốn.

Chữa ngộ độc nấm hoặc rắn cắn: 20g lá khế 20g, 20g lá hoặc quả đậu ván, 10g lá lốt (nếu có kèm theo hoa càng tốt), đem tất cả nguyên liệu tươi đi giã nát, sau đó hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, chắt lấy phần nước và uống hết trong một lần, thực hiện từ 2 đến 3 lần. Riêng trường hợp bị rắn cắn có thể lấy phần bã thuốc đắp lên vết cắn. Ngoài ra, người bệnh còn có thể dùng lá khế khô khoảng 10g, sao qua cho thơm rồi sắc uống từ 2 đến 3 lần.

Phòng bệnh phụ nữ sau sinh đẻ: Quả khế 20g, vỏ cây hồng bì 30g, rễ cây quả giun 20g, đem tất cả đi sắc lấy nước uống thay nước hằng ngày.

4. Một số lưu ý khi dùng khế để điều trị bệnh

  • Độc tính: Đã có những báo cáo về độc tính caramboxin trong quả khế đối với bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo và bệnh nhân đái tháo đường có thể gây tử vong. Vì vậy, đối với trẻ sơ sinh, người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, đang chạy thận hay suy chức năng gan thận nên cẩn thận khi sử dụng ăn khế;
  • Không nên ăn nhiều quả khế, đặc biệt là lúc đói. Những người bị bệnh về dạ dày cũng không nên ăn khế chua thành phần chứa nhiều axit.

Lá, vỏ, thân, rễ và quả của cây khế đều có tác dụng trị bệnh. Tuy nhiên, chỉ nên bổ sung loại quả này với liều lượng vừa phải để tránh kích thích dạ dày và tăng nguy cơ loãng xương. Nếu có bất cứ vấn đề nào bất thường trong quá trình điều trị, người dùng cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn chuyên môn.

Bài viết liên quan