Bài viết này của chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc về những loại sâu bệnh thường gây hại cho Cây Khế Ngọt. Nếu bạn đọc biết cách phòng trừ cây sẽ luôn xanh tốt và cho nhiều trái.
Các phòng sâu bệnh định kỳ cho Cây Khế Ngọt
Cách phòng sâu bệnh hữu hiệu nhất đó là nâng cao sức đề kháng cho Cây Khế Ngọt bằng cách cung cấp đủ chất dinh dưỡng, nước, độ ẩm cho cây. Đồng thời bạn cần thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ, quét dọn lá rụng, trái rụng ra khỏi vườn.
Khế Ngọt là một loại cây ưa bóng nên trồng dưới tán những cây khác để giúp cây tránh được các Bệnh Vàng Lá, Cháy Lá… bạn cũng cần chú ý cắt tỉa cành tạo tán để tán lá được thông thoáng. Cành của Cây Khế Ngọt khá giòn và dễ gãy, với những cành nhiều trái bạn cần cắm cọc để nâng đỡ cành cho cây.
Hàng năm, vào mùa khô, dùng nước vôi bão hoà quét vào gốc cây để bảo vệ cây, ngăn ngừa các loài Sâu Đục Vỏ, Đục Thân… xâm nhập gây hại.
Cách điều trị khi Cây Khế Ngọt bị sâu bệnh
Sâu Non: Khế Ngọt thường bị các loại Sâu Non (thuộc bộ cánh phấn) và Ruồi Đục Trái phá hoại. Chúng gây hại cả hoa và trái non. Để phòng trừ có thể dùng Trebon 0,2% phun vào giai đoạn trái còn nhỏ, nếu phun vào giai đoạn trái lớn, dễ gây ngộ độc.
Sâu Đục Thân, Cành: Bạn dùng bẫy đèn bắt sâu trưởng thành, tiêm vào lỗ những loại thuốc có tính xông hơi mạnh hoặc nội hấp như: Actara 25 WG, Padan 95SP, bịt lỗ bằng đất sét để diệt sâu non.
Bệnh Thán Thư: Bệnh làm thối đen hoa, rụng hoa, thối đen trên quả. Bạn dùng Benlat C hoặc Score 250 EC phun từ khi hoa nở đến 2 tháng sau với 1 lần/tuần, sau đó 1 lần/tháng.
Bệnh Muội Đen: Do bài tiết của Rệp, Bạn dùng: Bassa 50 EC, Trebon 2,5 EC và có thể phun các loại thuốc trừ nấm có gốc đồng…
Bệnh Cháy Lá: Bệnh phát triển trong mùa mưa, gây hại chủ yếu trên lá. Phòng trừ bằng cách cắt bỏ lá bệnh, phun thuốc Rhidomil MZ 72 WP, Kasumin 2L…
Rầy Xanh: Rầy tiết dịch gây bệnh mùa nóng, làm cây kém phát triển. Thời gian hại mạnh từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau. Dùng Bassa 50 EC, Trebon 2,5 EC, …
Rầy Mềm: Chúng ăn đọt non, lá non, bông, trái non, Rầy cái đẻ con với tốc độ rất nhanh và gây hại cho cây trong thời gian ngắn. Bạn cần theo dõi cây thường xuyên, nhất là vào những thời gian cây ra hoa, kết trái, nếu thấy Rầy có mật số cao thì có thể sử dụng thuốc hóa học để phun xịt. Tuy nhiên để bảo vệ quần thể thiên địch tự nhiên, đồng thời cũng để tiết kiệm tiền thuốc, bạn không nên xịt thuốc tràn lan, chỉ xịt trực tiếp vào những chỗ có Rầy bu bám (hoa, trái non, đọt lá non…). Về thuốc bạn có thể luân phiên sử dụng một trong các loại thuốc như Bassa 50 EC ( hoặc Bascide 50EC); Trebon 10 EC; Supracide 40 EC (hoặc Suprathion 40EC); Dầu khoáng DC-Tron Plus 98,8 EC… (trước khi phun xịt bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng thuốc của nhà sản xuất có in sẵn trên vỏ bao bì).