Vỏ rộp ổi cầm tiêu chảy
“Tôi nghe nói khi bị đi ngoài, tiêu chảy thì dùng vỏ thân cây ổi, rất hay. Xin cho biết cách dùng cụ thể”.
Trả lời:
Tất cả các bộ phận của cây ổi từ rễ, vỏ, thân, búp non, lá đến hoa, quả (trừ quả chín) đều chứa tanin với tỷ lệ cao. Ở vỏ thân, tỷ lệ này có thể đến 8,5-11%.
Vỏ thân cây ổi rất mỏng, dễ bong bóc, dân gian gọi là vỏ rộp ổi, nẻ ổi, miền Nam gọi là chườm chượp cây ổi. Vỏ được thu hái quanh năm, phơi hoặc sấy khô; khi dùng để sống hoặc sao vàng, sao đen. Dược liệu vị chát, đắng, tính bình, có tác dụng làm săn, giảm đau, sát khuẩn. Nó ít được dùng riêng mà thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa tiêu chảy: Vỏ rộp ổi, vỏ cây vối, đọt cây hồng xiêm mỗi vị 20 g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Có thể dùng dưới dạng bột, mỗi lần uống 15-20 g (đối với người lớn), 5-10 g (trẻ em). Để chữa tiêu chảy mạn tính, lấy vỏ rộp ổi, vỏ quả lựu, hoắc hương mỗi vị 12 g; nụ sim, trần bì, phá cố chỉ, thỏ ty tử mỗi vị 20 g, quế chi 6 g, gừng khô 8 g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 20 g chia làm hai lần. Dùng nhiều ngày.
Chữa thổ tả: Vỏ rộp ổi (sao đen), lá phèn đen mỗi vị 40 g; hoài sơn (sao đen), liên nhục (sao đen) mỗi vị 20 g; trạch tả (sao vàng), trư linh, bạch truật (sao vàng), bạch linh, hoắc hương mỗi vị 12 g. Tất cả phơi khô, tán bột, rây mịn. Người lớn uống mỗi lần một thìa cà phê. Ngày hai lần.
Ngoài ra, vỏ rộp ổi, hạt mã đề, hoa hòe, rễ mơ lông mỗi vị 8 g sao vàng, sắc uống còn chữa được kiết lỵ. Vỏ rộp ổi, vỏ sắn thuyền, rễ cỏ tranh mỗi vị 30 g sắc uống ngày một thang chữa khí hư.