Ổi là loài cây nhiệt đới thuộc nhóm thân gỗ sống dai (thân mộc lưu niên), ổi được trồng phổ biến trên khắp mọi miền đất nước ta từ lâu đời. Qua chọn lọc nhân tạo cho ra nhiều giống ổi quý như ổi mỡ, ổi trâu, ổi tầu, ổi Bo… được nhiều người mến mộ.
Cây ổi giống hiện nay được bán rộng rãi trên thị trường chủ yếu xuất xứ nước ngoài, được nhân giống bằng cách chiết cành nên nhanh ra quả, chỉ chăm bón đầy đủ 4-6 tháng là cây đã cho quả đầu tiên. Tuy nhiên loại cây giống này nhanh bị suy yếu nếu để cây có quá nhiều quả, có trường hợp cây chỉ cho một đợt quả rồi suy yếu.
Cũng như nhiều loài cây ăn quả khác, ổi cũng có thể nhân giống bằng 2 phương pháp: hữu tính (gieo từ hạt) và vô tính (giâm hom, giâm cành, chiết cành, ghép cây). Với những giống cây không hạt (do chọn tạo, gây đột biến nhân tạo cho không hình thành hạt để nâng cao chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng) người ta nhân giống bằng phương pháp vô tính bằng kĩ thuật chiết cành được mọi người áp dụng.
Sau đây, Làm thợ muốn được chia sẻ đến mọi người kỹ thuật chiết cành ổi đem lại năng suất cao.
1. Đặc tính của cây ổi
– Ổi thuộc cây ăn quả thân gỗ, chiều cao khoảng 3-7m, sống lâu lên tới 40-60 năm. Thân cây trơn nhẵn, bong ra từng mảng. Hoa ổi màu trắng mọc ở nách lá, tạo thành chùm 2-3 chiếc. Hoa ổi lưỡng tính có 5 cánh gần đều, có lá bắc con dạng vẩy. Quả ổi có nhiều hình dạng: hình trứng, hình cầu, hình quả lê, đường kính khoảng 3-12 cm, ở đầu có sẹo do đài để lại. Thị giữa dày có nhiều màu vàng, đỏ, trắng, hồng.Quả có nhiều hạt, màu vàng nâu.Ổi ra hoa vào tháng 3-4, quả vào tháng 8-9.
– Ánh sáng: Cây ổi ưa ánh sáng hoàn toàn, nhiều nắng để cây sai quả.
– Nhiệt độ: ổi chịu được khoảng nhiệt độ lớn
– Độ ẩm: Cây ổi ưa ẩm
– Đất trồng: Ổi có thể sống ở nhiều loại đất, không kén kể cả đất xấu, tuy nhiên nếu trồng đất tơi xốp, thoát nước tốt, có trộn thêm phân hữu cơ bón lót , tro trấu, trấu hun, xơ dừa, theo tỷ lệ: 2 tro trấu : 0,5 xơ dừa + 0,5 trấu hun : 1 phân hữu cơ là tốt nhất.
2. Chuẩn bị
- Kéo khoanh vỏ chiết cành
- Dao chiết cành
3. Thời vụ chiết cành ổi
Thời vụ cho chiết cành ổi tốt nhất là vụ xuân (tháng 3-4) và vụ thu (tháng 8-10). Trước khi chiết nên bón thêm phân kali thì dễ bóc vỏ, cây nhanh ra rễ, dễ tiếp hợp, tỷ lệ cây sống sẽ cao. Với các cây có đặc tính rụng lá vào mùa đông, cần chiết sau khi lộc xuân đã trở thành lá bánh tẻ. Như vậy tỷ lệ ra rễ sẽ cao hơn.
4. Tiến hành chiết cành ổi
Bước 1 Chọn cành để chiết:
Trên các cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, sinh trưởng, phát triển tốt, đang ở độ tuổi cho năng suất cao, ổn định, chất lượng trái tốt (từ 3 đến 8 năm tuổi) để chiết cành. Chọn những cành bánh tẻ (có mầu vỏ trung gian gốc–ngọn, chưa hóa bần “xù xì”) có đường kính khoảng 1-1,5cm, dài khoảng 35-40cm ở phía ngoài tán; tốt nhất là phần giữa tán để chiết cành. Không nên chọn các cành la sát mặt đất hoặc các cành trên ngọn; không chọn các cành vượt phía trong tán sẽ chậm và kém ra hoa.
Bước 2 Chuẩn bị vật liệu bó bầu:
Có thể dùng cám xơ dừa (đã được xử lý ta nanh) hoặc mùn rơm rạ, bèo tây trộn lẫn với đất mặt vườn, phân chuồng ủ hoai mục theo tỷ lệ 1:1:1 rồi tưới nước vừa đủ ẩm để bó bầu (muốn biết vật liệu đã đủ ẩm chưa, ta nắm chặt một nắm vật liệu trong tay thấy nước rịn ra qua kẽ ngón tay là vừa; nếu thả tay vật liệu rã ra là quá khô, cần thêm nước hoặc vật liệu bết lại là quá ẩm cần thêm đất bột).
Bước 3 Khoanh vỏ cành chiết
Dùng kéo khoanh vỏ chiết cành chuyên dụng hoặc dao sắc chiết cành khoanh 2 vòng cách nhau khoảng 2cm, bóc bỏ phần vỏ nằm giữa 2 vết cắt này. Dùng vải sạch lau kỹ phần lõi gỗ vừa bóc vỏ, cạo sạch “tơ” (là mô phân sinh – tượng tầng) để tránh “dẫn thủy liền sẹo” rồi để ráo nhựa, hình thành mô sẹo sau 3 –5 ngày cho hẳn nhựa thì mới bọc đất tiến hành bó bầu.
Bước 4 Bó bầu
Kỹ thuật chiết cành ổi
– Đắp một nắm vật liệu bó bầu cỡ bằng quả trứng gà xung quanh chỗ vừa bóc vỏ rồi dùng một mảnh nilon màu trắng bọc kín bên ngoài, buộc chặt hai đầu bằng dây mềm để tránh vật liệu bốc hơi nước và bảo vệ bầu.
– Bầu được bó thành hình bầu dục dài từ 10-12 cm, đường kính bầu từ 6-8 cm
– Phía ngoài bầu bọc giấy nilon để hạn chế rêu, tảo, nước mưa không thấm. Buộc dây phía trên chặt, phía dưới lỏng để thoát nước tốt khi gặp mưa. Trong 20 ngày đầu, thường xuyên kiểm tra xem bầu có bị xoay hay bị côn trùng phá hoại hay không thì phải bó lại bầu.
– Muốn cho nhanh ra rễ có thể trộn thêm dung dịch thuốc kích thích ra rễ (hiện có bán tại các cửa hàng thuốc BVTV hoặc bán các giống cây ăn trái, hoa, cây cảnh) vào vật liệu bó bầu hoặc bôi trực tiếp lên vết cắt trước khi bó bầu.
Bước 5 Cắt cành chiết
Khi thấy rễ đã nhú trắng trên mặt bầu, lá chuyển màu vàng là có thể cắt cành đem giâm thêm một thời gian nữa cho ra rễ và cành lá ổn định thì đem trồng. Trước khi trồng, nên cắt tỉa bớt cành lá để giảm bớt sự thoát hơi nước, cây sẽ nhanh bén rễ, hồi xanh, tỷ lệ sống mới cao.
5. Chú ý khi chiết cành ổi
– Không nên giữ bầu lâu trên cây mẹ. Bóc lớp nilon bó bầu, đem giâm ở vườn ươm cho cành chiết phục hồi. Phải giữ ẩm cho cành chiết sau khi giâm.
– Những cây có nhựa mủ, khó chiết cần chọn cành có đường kính to và bôi thêm một số chất kích thích ra rễ như Atonic 0,1%, Orgamin 1%, Na 2,4D 100ppm, NAA 100ppm… Sau khi bôi thuốc vào vết cắt, để thuốc khô trong vòng từ 10-15 phút rồi mới bó bầu. Như vậy, tỷ lệ ra rễ sẽ tăng từ 30-40%.