Cây xoài là loại cây ăn quả dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch kéo dài. Do đó, nó được nhiều người làm vườn chọn làm đối tượng cây trồng chính. Hiện diện tích trồng xoài ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung ngày càng tăng. Tuy nhiên, tình hình dịch hại trên loại cây này cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, sâu đục thân xoài là loại dịch hại khiến nhiều nhà vườn lo lắng.
1. Đặc điểm sinh học và cách gây hại của Sùng đục thân
– Đặc điểm sinh học:
Thành trùng (trưởng thành của sùng đục thân xoài) hay còn gọi là Xén tóc, thân có màu đỏ nâu, chân cũng có màu đỏ nhưng phần đầu của đốt đùi và phần cuối của đốt chày lại có màu đen. Đầu có râu cứng phân đốt rất dài (dài hơn chiều dài cơ thể), cơ thể dài 2,5 – 3cm. Toàn cơ thể phủ lông màu xám rất ngắn.
Xén tóc đẻ trứng rải rác trong các vết nứt, vết thương quanh thân cây. Trứng dạng tròn, màu trắng. Sau 2-3 ngày trứng sẽ nở thành ấu trùng.
Ấu trùng dạng không chân, đầu nhỏ, cơ thể dài, màu trắng sữa. Ấu trùng có thể sống rất lâu, khoảng 7-8 tháng ngay trong thân cây. Lúc mới nở, ấu trùng rất yếu ớt nhưng khoảng một tuần sau trở nên cứng cáp, linh động. Đây cũng là lúc ấu trùng (sùng) bắt đầu tấn công thân cây.
– Đặc điểm gây hại:
Sùng đào đường hầm xuyên qua lớp vỏ cứng của thân cây để tìm lớp mô mềm phía dưới vỏ cây. Đây là nguồn thức ăn chính của sùng.
Sùng đục rất nhiều đường trong quá trình phát triển. Đường đục sẽ lớn dần theo tuổi của ấu trùng. Trường hợp có nhiều ấu trùng gây hại trên cùng một cây thì cây nhanh chóng suy kiệt.
Chính vì vậy, bà con nhà vườn cần thường xuyên theo dõi vườn cây.Khi phát hiệnvết đục trên thân cây, lỗ đục có mạt gỗ, đục thành đường hầm dài, phân đùn ra ngoài, chảy nhựa trên thân cây tức là sùng bên trong đang gây hại khá nặng và có khả năng gây chết cây.
2. Biện pháp phòng trừ
a. Biện pháp phòng:
– Thăm vườn thường xuyên, cắt bỏ, tiêu hủy cành vượt, cành bệnh, cành đã mang trái năm trước… Những cành bị sâu đục không được chất đống trong vườn vì sẽ tạo điều kiện cho sâu sinh sôi và phát triển.
– Không gây ra vết thương cơ giới trên vỏ thân cây (chặt, băm, lột vỏ… để ức chế sinh trưởng, kích cây ra hoa) vì sẽ tạo điều kiện cho xén tóc đẻ trứng.
– Xén tóc chỉ xuất hiện rộ vào thời điểm đẻ trứng và lúc đêm tối. Xén tóc thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn nên có thể sử dụng bẫy đèn vào đầu mùa mưa (sau khi thành trùng vừa trưởng thành).
– Pha hỗn hợp vôi, lưu huỳnh, nước (tỷ lệ 10:1:40) quét quanh thân cây từ chảng 3 trở xuống (hoặc từ mặt đất lên 3 mét). Đợi hỗn hợp thấm vào cây, dùng đất sét trét che đậy thân cây không để xén tóc đẻ trứng và diệt cả trứng.
b. Biện pháp trừ:
Khi phát hiện lỗ đục, nhà vườn nên dùng vật sắc, nhọn, nhỏ gọn (dao, tuốc nơ vít…) khoét ngay lỗ đục. Sử dụng dây kẽm cứng, dây thắng xe đạp… soi dọc theo đường đục.
+ Cách 1: Dùng bông gòn thấm thuốc trừ sâu nhét sâu vào lỗ đục và dùng đất sét trám kín thân cây từ chảng 3 trở xuống (hoặc từ mặt đất lên 3 mét), phải trám dày miệng lỗ đục.
+ Cách 2: Dùng Lân cao năng (VD LÂN 86%) có tính thấm hút đa chiều, pha đặc quét hoặc dùng bơm tiêm trực tiếp vào vết thương miệng lỗ đục, trét đất sét. Đây là biện pháp khá đặc biệt được khuyến cáo sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, bởi Lân cao năng vừa có tính phòng trừ các loại sâu đục thân, nấm bệnh, lại vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây.
+ Cách 3: Pha thuốc trừ sâu dạng đậm đặc, phun 2 lần cách nhau 7 ngày, phun ướt đều vỏ thân cây từ mặt đất lên cao 2 – 3m (tùy tuổi cây, chiều cao cây).
+ Cách 4: Rải thuốc trừ sâu dạng hạt vào trong đường đục, trám đất sét.
Những loại thuốc trừ sâu sử dụng phải có tính lưu dẫn, xông hơi mạnh như: Padan 50SP, Mappy 48EC, Basudin 50ND, Marshal 200SC, Pyrinex 20EC, Pegasus 500SC… Những dạng thuốc rải: Basudin 10H, Furadan 3H, Regent 800WG…
Trong quá trình tìm, phá lỗ đục, soi đường đục sẽ tạo ra nhiều vết thương cơ giới nên quét thuốc gốc đồng (VD ĐỒNG ĐỎ) để phòng bệnh tấn công.
* Lưu ý: Trong quá trình diệt sùng đục thân, bà con nhà vườn sử dụng thuốc trừ sâu đặc tính mạnh nên phải đảm bảo thời gian cách ly an toàn khi thu hoạch để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trên nông sản và không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.