0877907790

Cây trạng nguyên có độc không?

Nói đến cây giáng sinh thì ắt hẳn ai ai cũng liên tưởng đến cây thông Noel. Thế nhưng, nếu hỏi hoa giáng sinh là hoa gì thì có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết đó là “nhất phẩm hồng”, tức cây trạng nguyên, loài cây cảnh rất phổ biến ở các công viên, trường học và thiền viện nước ta.

Vài nét về cây trạng nguyên

Đi dạo quanh thiền viện Trúc Lâm Phương Nam hay bến Ninh Kiều – Cần Thơ, bạn có thể bắt gặp rất nhiều cây hoa trạng nguyên với những lớp màu đỏ rực và đó là màu của lá bắc chứ không phải của hoa (nhưng lại thường bị nhầm là hoa).

Và có thể nói, với cây trạng nguyên thì lá bắc của nó còn đẹp hơn hoa. Hơn nữa, cái màu đỏ ấy, trong Hán tự được gọi là “hồng” và theo quan niệm từ xưa thì “hồng sắc” (màu đỏ) là tượng trưng cho những điều cát tường, may mắn. Chính vì vậy, cây được gọi là “nhất phẩm hồng”, là “trạng nguyên”.

Hoa trạng nguyên có tên khoa học là Euphorbia pucherrima, thuộc họ Đại kích (Thầu dầu).

Ngoài hai tên gọi trên, cây còn có tên tiếng Anh là poinsettia hay Christmas flower (hoa giáng sinh).

Sở dĩ, hoa trạng nguyên được xem là hoa giáng sinh (hoa Noel) ở Bắc Mỹ là vì người ta truyền nhau rằng, trước đây, có một đứa trẻ đã hái nó và làm quà tặng cho chúa Giê su vào đêm Noel. Hiện nay, bên cạnh loại trạng nguyên có màu lá đỏ truyền thống còn có các loại khác với các màu lá bắc đa dạng như hồng, vàng nhạt, màu trắng sữa, màu dâu kem hoặc màu hỗn hợp…

Tiềm năng làm thuốc của cây trạng nguyên

Trạng nguyên là loài thực vật có nguồn gốc từ phương Tây và được nhập vào nước ta để làm cây cảnh. Cây có vị đắng chát, tính lương mát và hơi có độc. Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng cây trạng nguyên để giảm sưng, sát trùng vết thương ngoài da và đắp lên chỗ bị rắn rết cắn. Ở Trung Quốc, trạng nguyên được dùng để cầm máu, băng bó khi bị gãy xương và chấn thương bầm tím do đòn ngã (2)

Bên cạnh đó, theo các kết quả nghiên cứu, cây trạng nguyên còn có các hoạt tính như:

  • Hoạt tính kháng khuẩn: Theo tạp chí Carbohydrate Polymers, chất chitosan được phân lập từ cây hoa trạng nguyên có tiềm năng diệt khuẩn, chống lại vi khuẩn E. pulcherrima
  • Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí Planta Medica, hai triterpen được phân lập từ cây hoa trạng nguyên cho thấy khả năng gây độc và chống lại tế bào ung thư Ehrlich

Về độc tính của cây trạng nguyên

Hoa trạng nguyên có nhiều nhựa trắng, loại nhựa này có thể gây kích ứng da và dạ dày. Vì vậy, việc vô tình hay cố ý ăn lá trạng nguyên có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc buồn nôn

Mặt khác, cây trạng nguyên có thể gây ra dị ứng với những người có cơ địa nhạy cảm với nhựa (dẫn đến các biểu hiện như viêm da khi tiếp xúc với da, môi và gây mù trong giây lát nếu rơi vào mắt). Đối với vụ ngộ độc năm 1919 dẫn đến cái chết của một em bé 2 tuổi sau khi ăn lá trạng nguyên, điều này cũng có thể là do hiện tượng dị ứng latex (nhựa cây)

Như vậy, cây trạng nguyên không gây nguy hiểm chết người và có thể được trồng làm cảnh. Tuy nhiên, mọi người cũng cần lưu ý, tránh tiếp xúc với nhựa cây, nhất là những nhà có trẻ con (vì lá bắc của hoa trạng nguyên rất bắt mắt và hấp dẫn trẻ con). Theo một nghiên cứu về khả năng gây viêm da khi tiếp xúc của hoa trạng nguyên thì có 4 trong 31 người thử nghiệm có các biểu hiện dị ứng

Truyền thuyết về hoa trạng nguyên

Chuyện kể rằng vào thời cổ đại, ở phía Nam thành phố Mexico có một ngôi làng đất đai trù phú. Tuy nhiên, vào một mùa hè, đột nhiên có một trận sạt lở xảy ra và một khối đá lớn nằm chắn ngang dòng nước, khiến cho ruộng đồng bị thiếu nước trầm trọng. Ở đó, có một dũng sĩ không ngại nguy hiểm, ngày đêm không ngừng nghỉ đục vỡ khối đá để khơi thông nguồn nước. Đến khi thành công, một luồng nước bất chợt phun trào ra và cuốn mất người anh hùng ấy. Một thời gian sau, người ta nhìn thấy bên bờ dòng nước mọc lên một loại cây với những lá ở đỉnh đầu có màu đỏ rất đẹp, giống như màu trang phục mà vị dũng sĩ khi xưa rất thích mặc. Vì vậy, để tưởng nhớ người đã xả thân khơi thông nguồn nước, thôn dân ở đó đã đặt tên cho loài cây ấy là: “Ba nhĩ thiết lý mã hoa“. Đó chính là cây trạng nguyên mà ngày nay chúng ta thường gọi

Bài viết liên quan