Cây hạnh phúc được xem là loài cây phong thuỷ – một lá bùa may mắn cho những ai sở hữu chúng. Cùng chúng tôi tìm hiểu loài cây với cái tên xinh đẹp này nhé! Đúng với cái tên của mình, cây hạnh phúc thường được gia chủ ưu ái đặt ở phòng khách hay nơi làm việc vì sẽ đem lại nhiều may mắn, sự sung túc và cải thiện năng lượng tích cực trong gia đình. Vậy loài cây này thực sự có ý nghĩa như thế nào? Theo phong thuỷ, có phải ai cũng phù hợp để trồng cây hạnh phúc? Cách trồng cây hạnh phúc như thế nào? Đừng bỏ qua bài viết nếu bạn muốn tìm câu trả lời cho tất cả những thắc mắc trên nhé.
1. Giới thiệu về cây hạnh phúc
Cây hạnh phúc có tên khoa học là Radermachera sinica, có nguồn gốc từ những khu rừng nhiệt đới tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Về đặc điểm hình thái, cây hạnh phúc thuộc họ cây thân gỗ. Khi trưởng thành, cây có thể cao từ 1-3m nếu sinh trưởng trong môi trường tự nhiên và chỉ 1.4-1.6m nếu được trồng trong nhà.
Lá cây mọc xum xuê, có màu xanh non khi còn nhỏ và đậm dần lên khi trưởng thành. Điều đặc biệt là ở mỗi cành sẽ một ra các chùm gồm 3 lá tạo thành hình trái tim rất đẹp mắt.
Cây cho hoa màu trắng, sau đó thì kết thành quả có hình hạt đậu. Tuy nhiên, khi trồng trong nhà, môi trường sống không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển nên cây sẽ rất hiếm ra hoa.
2. Ý nghĩa phong thủy cây hạnh phúc
Theo dân gian, sắc xanh đặc trưng của cây hạnh phúc thể hiệnniềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Đối với những ai đang gặp khó khăn trong cuộc sống, loài cây này sẽ truyền đến họ một nguồn năng lượng tích cực, giúp họ vững tin vào tương lai tốt đẹp hơn đang đến.
Ngoài ra, cây hạnh phúc còn biểu trưng cho sự tinh tế và độc đáo trong tính cách của người sở hữu. Đồng thời, nó còn là loài cây phong thuỷ cát tường, giúp gắn kết những thành viên trong gia đình, giữ gìn hoà khí và mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn về tài lộc.
Đặc biệt hơn, thế giới còn chọn ngày 20/03 hằng nằm làm ngày Quốc Tế Hạnh Phúc với mục đích truyền tải thông điệp và năng lượng tích cực đối với mọi cá nhân, tập thể.
3. Công dụng của cây hạnh phúc
Cây hạnh phúc được tận dụng để trang trí ở nhiều nơi khác nhau như: Phòng khách, văn phòng làm việc, sảnh lễ tân, sân thượng hay các địa điểm công cộng như quán cà phê, nhà hàng,…
Giống như những loại cây cảnh khác, cây hạnh phúc giúp tăng thêm sắc xanh trong nhà hay nơi làm việc của bạn, khiến không gian thêm tươi mới và tràn đầy sinh khí. Ngoài ra, với vẻ uy nghiêm vốn có, loài cây này giúp tôn lên vẻ đẹp trang trọng và hiện đại cho ngôi nhà của bạn.
Cây hạnh phúc còn được mệnh danh là “máy lọc không khí mini” trong nhà. Bởi lẽ, nó là trợ thủ đắc lực giúp thanh lọc không khí, cung cấp lượng oxy lớn, qua đó đem lại sự an toàn và sức khỏe cho những thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, nhờ tên gọi xinh đẹp của mình, cây hạnh phúc cũng được chọn lựa làm quà để dành tặng bạn bè, người thân trong những dịp trọng đại như hỏi cưới, tân gia,…
4. Cây hạnh phúc hợp mệnh gì? Tuổi gì?
Theo quan niệm về Ngũ hành của phương Đông, màu xanh đậm của cây hạnh phúc sẽ rất hợp với mệnh Kim. Đồng thời, Kim sinh Thuỷ nên loài cây này cũng rất phù hợp với người mang bản mệnh Thuỷ. Khi trồng cây trong nhà, những người mệnh này sẽ có nhiều may mắn, tài lộc, hoặc có cảm giác thư thái và động lực làm việc hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, cây hạnh phúc không kén phong thuỷ, có thể phù hợp với cả 12 con giáp. Vì vậy, dù bạn sinh năm bao nhiêu, tuổi nào hay bản mệnh gì cũng có thể trồng cây hạnh phúc trong nhà để cải thiện tinh thần và tiếp thêm vượng khí.
5. Có nên trồng cây hạnh phúc trong nhà không?
Với nhiều ý nghĩa tốt lành, may mắn, cây hạnh phúc có thể trồng trong nhà tại nhiều vị trí khác nhau. Trồng cây hạnh phúc trong nhà có thể giúp không gian tươi mới, nhiều sức sống.
Bạn có thể đặt cây hạnh phúc ở một số vị trí như:
- Phòng ngủ
- Bàn học, bàn làm việc
- Phòng khách
- Nhà bếp
6. Cách trồng và chăm sóc
Cây hạnh phúc có sức sống tốt nên có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, thời gian phù hợp nhất là vào mùa mưa.
Kỹ thuật trồng cây hạnh phúc
Có hai phương pháp trồng phổ biến là: Trồng bằng cây con và chiết cành.
Trồng bằng cây con:
- Công đoạn đầu tiên bạn cần làm là chuẩn bị đất trồng. Bạn cần đào đất với chiều rộng gấp 3 lần và chiều sâu bằng với bầu cây giống. Tiếp đó, bạn nhẹ nhàng xé phần nilon bao quanh bầu đất, cho cây xuống hố rồi lấp đất lại. Bạn lưu ý không nên nén đất quá chặt.
- Sau vài ngày, cây sẽ bén rễ và sinh trưởng bình thường. Bạn cần tưới nước đầy đủ để tạo độ ẩm cho đất.
- Trong trường hợp bạn muốn trong cây vào chậu, thì đầu tiên, bạn cho vào một lớp đất nền cao bằng ⅓ chậu, sau cho cây vào rồi lấp đất lại. Bạn lưu ý tưới nước thường xuyên và cần đục sẵn lỗ dưới đáy chậu để có thể thoát nước, tránh để cây bị ngập úng và thối rễ.
Trồng bằng phương pháp chiết cành
- Tương tự như cách chiết cành ở các loại cây khác, bạn nên lựa chọn cành khỏe mạnh, lá xanh, không sâu bệnh. Sau đó, bạn tiến hành khoanh vỏ cây rồi đắp bầu.
- Khi nào cành ra rễ thì cắt và trồng vào chậu, tương tự như cách trồng cây con đã mô tả.
Kỹ thuật chăm sóc cây hạnh phúc
- Về đất trồng, bạn cần chọn loại đất tơi, xốp và giữ ẩm tốt. Bạn có thể bổ sung xơ dừa, mùn tơi hoặc phân bón để duy trì độ ẩm tốt hơn.
- Về tưới tiêu, bạn nên tưới cho cây mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối nếu trồng cây ngoài trời và 3 lần/tuần nếu trồng cây trong nhà hoặc nơi khuất nắng. Bạn có thể điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp để đất không quá khô.
- Về nhiệt độ, cây thích nghi rất tốt với khí hậu Việt Nam vì có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới. Nhiệt độ tốt nhất cho cây phát triển là từ 18-28 độ C. Bạn cần để cây ở nơi có ánh sáng ít nhất 1 tiếng/ngày để cây có thể quang hợp. Lưu ý tránh để cây tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ lớn hơn 40 độ C vì có thể làm lá cây héo úa.
- Về bón phân, cứ cách 4-5 tháng bạn bón phân 1 lần bằng các loại phân chuồng, mùn cưa kết hợp với hợp chất NPK để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
- Về phòng ngừa sâu bệnh, cây có thể gặp các bệnh thông thường như đốm lá, rầy, thối rễ, vì vậy bạn cần lưu ý cắt bỏ lá/cành già, kém phát triển và bị sâu bệnh. Nếu cây bị bệnh nghiêm trọng hơn, bạn có thể mua thuốc trị sâu rầy về phun.