Kim tiền thảo hay còn có tên gọi khác là cây mắt trâu, đồng tiền lông, vảy rồng, mắt rồng,… là bộ phận trên mặt đất của cây kim tiền thảo. Đây là cây thuốc nam có tác dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như sỏi thận, sỏi đường tiết niệu.
1. Đặc trưng về cây kim tiền thảo
- Tên khoa học của cây kim tiền thảo là Desmodium styracifolium. Cây thuộc họ Đậu (Fabaceae)
- Về hình dáng: Đây là cây thân thảo, mọc bò trên mặt đất, sau đứng thẳng, cao khoảng 0.3 – 0.5 m. Ngọn cây dẹt, có nhiều khía và có nhiều lông tơ trắng. Lá cây mọc so le, gồm 1 hoặc 3 lá chét hình tròn, dài từ 1.5 đến 3.4 cm, gốc bằng hoặc hơi hình tim, có gân lá khá rõ, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc; lá kèm có lông, có khía; cuống lá dài 1-2cm.
- Hoa mọc thành từng chùm nhỏ, ngắn ở trong kẽ lá hoặc đầu ngọn thân thành; lá bắc sớm rụng; hoa màu hồng; đài 4 răng đều, có lông ngắn, tràng hoa có dạng cánh cờ hình bầu dục, các cánh hoa bên thuôn dạng thìa cong; bầu hơi có lông.
- Quả kim tiền thảo đầu hơi cong xuống và hạt có lông.
2. Kim tiền thảo có tác dụng gì?
2.1. Tác dụng lợi tiểu
Cây thuốc kim tiền thảo có nhiều tác dụng giúp lợi tiểu hay còn được hiểu là tăng thể tích nước tiểu, đồng thời làm chậm quá trình to lên của viên sỏi và có thể bào mòn sỏi. Vị thuốc có ít tác dụng phụ nên có thể sử dụng điều trị trong thời gian dài.
Theo những tài liệu Y Học Cổ Truyền, kim tiền thảo còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc và lợi niệu. Vị thuốc này thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh liên quan đến đường tiết niệu như trừ sỏi, các chứng tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu vàng sẫm… Vì tác dụng lợi tiểu của Kim tiền thảo, vì vậy sẽ khiến lượng nước tiểu và số lần đi tiểu trong 1 ngày của bạn nhiều hơn, có thể xảy ra một số bất tiện trong quá trình sử dụng thuốc. Cũng không nên dùng vào buổi tối, sẽ khiến bạn buồn tiểu và ảnh hưởng đến giấc ngủ
2.2. Giảm đào thải canxi niệu
Theo các nghiên cứu đã chứng minh rằng, kim tiền thảo làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu. Nhờ đó, có công dụng giúp đào thải lượng canxi cặn ra bên ngoài cơ thể mà không lắng đọng tạo thành tinh thể khi chưa đạt đến nồng độ bão hòa.
Đồng thời, thảo dược này còn có tác dụng giúp tăng bài tiết lượng citrat niệu qua đó tăng đào thải oxalat, giảm hình hình thành canxi oxalat và giảm hình thành sỏi thận.
2.3. Kháng viêm, kháng khuẩn
Tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn của kim tiền thảo giúp giảm sự phù nề của niệu quản, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi di chuyển xuống niệu quản và bị đẩy ra ngoài.
Với những công dụng như kể trên, dược liệu kim tiền thảo đã được nhiều người biết đến và sử dụng như một vị thuốc quan trọng nhất trong điều trị các bệnh sỏi thận viêm đường tiết niệu và sỏi đường tiết niệu.
3. Những bài thuốc kim tiền thảo trị bệnh sỏi thận
Để việc điều trị sỏi thận bằng kim tiền thảo mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên kết hợp vị thuốc này với những loại thảo dược khác có cùng tác dụng lợi tiểu như râu ngô, trà atiso, râu mèo,… để làm tăng công năng của loại thảo dược này.
- Bài 1: Kim tiền thảo 30g, dừa nước 15g, hạt mã đề 15g, kim ngân hoa 15g. Sắc lấy nước uống hàng ngày. Công dụng điều trị viêm đường tiết niệu, hệ thống tiết niệu có sỏi.
- Bài 2: Kim tiền thảo 25g, đông quỳ tử 15g, xuyên phá thạch 15g, hoạt thạch 15g và ngưu tất 12g. Sắc lấy nước uống trong ngày, chữa bệnh sỏi đường tiết niệu.
- Bài 3: Kim tiền thảo 30g, xa tiền tử 10g, ô dược 10g, thanh bì 10g, đào nhân 10g và ngưu tất 12g. Sắc lấy nước uống trong ngày, có tác dụng tốt trong trị bệnh sỏi đường tiết niệu, tiểu buốt, kèm táo bón.
- Bài 4: Kim tiền thảo 30g, tỳ giải 20g, xa tiền tử 20g, hoạt thạch 20g kèm theo sinh địa, tục đoạn, đan sâm, mỗi thứ 9g. Sắc lấy nước uống trong ngày có tác dụng trong điều trị sỏi hệ thống tiết niệu, tiểu buốt, rắt, tiểu ra máu.
- Bài 5: Kim tiền thảo 40g, tỳ giải 20g, xa tiền thảo 20g, trạch tả 12g, uất kim 12g, ngưu tất 12g và kê nội kim 8g. Sắc lấy nước uống trong ngày điều trị sỏi tiết niệu kèm tiểu đục, tiểu buốt.
4. Uống kim tiền thảo nhiều có ảnh hưởng gì không?
Theo Y Học Cổ Truyền, kim tiền thảo là loại cây lành tính, an toàn và không để lại tác dụng phụ gì nhiều đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn cần lưu ý một số trường hợp sau:
- Điều trị bệnh sỏi thận: Như đã trình bày ở trên, kim tiền thảo có tác dụng tốt trong điều trị sỏi thận và sỏi đường tiết niệu. Nhưng, kim tiền thảo chỉ có giá trị trong điều trị sỏi nhỏ hơn 1cm. Vì vậy trước khi bạn có ý định sử dụng vị thuốc này trong điều trị bạn cần xác định được kích thước và tình trạng sỏi thận của mình.
- Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, nếu muốn sử dụng vị thuốc này bạn cần sự tư vấn và theo dõi sát từ các bác sĩ sản khoa. Bởi đây có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi.
- Điều trị hoặc tiền sử mắc bệnh dạ dày: Bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá trước khi sử dụng kim tiền thảo.
Tóm lại, trước khi sử dụng kim tiền thảo hay bất cứ loại thảo dược nào trong điều trị bệnh hoặc sử dụng hàng ngày bạn cần tham khảo và được tư vấn bởi các chuyên gia y tế. Điều này giúp việc sử dụng đạt được hiệu quả tốt nhất và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra