0877907790

Cây xoài được trồng ở đâu?

Vùng trồng và sản lượng

Việt Nam, xoài được trồng từ Nam chí Bắc, vùng trồng xoài tập trung từ Bình Định trở vào, và được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre… Ngoài ra, xoài còn được trồng ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Sơn La, Lạng Sơn và khu vực đồng bằng Sông Hồng. Diện tích trồng xoài của cả nước khoảng 87.000 ha, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu thì còn khiêm tốn và nằm ngoài tốp 10 nước xuất khẩu xoài.

Quy trình trồng và thu hoạch xoài ở Việt Nam

Cơ sở tập kết:

Nói chung, xoài thu hoạch được đưa đến một cơ sở tập kết nằm gần vườn xoài. Xoài thu hoạch được loại bỏ khỏi túi và trải qua một lần loại đầu tiên. Tất cả các trái bị hư hỏng và có lỗi được loại bỏ và các quả không đáp ứng được các tiêu chí thị trường xuất khẩu được tách riêng để bán cho thị trường trong nước. Xoài được đặt vào thùng chứa được bao phủ và chuyển đến cơ sở đóng gói.

Nơi nào không có cơ sở tập kết, xoài sẽ được chuyển thẳng từ vườn đến cơ sở đóng gói hoặc cơ sở xử lý. Lúc đó xoài mới được bỏ khỏi túi và tiến hành sàng lọc ban đầu.

Cơ sở đóng gói:

Cơ sở đóng gói (có thể là một phần của một cơ sở xử lý), nhận xoài trồng thương mại, hoặc là trực tiếp từ các vườn cây ăn quả hoặc từ các cơ sở tập kết. Cuống của xoài được cắt tỉa 1-3 cm chiều dài, nhựa xoài được làm khô bằng cách đặt cuống quả xoài xuống dưới. Thủ tục sau thu hoạch của Việt Nam bao gồm rửa xoài trong nước ấm. Tuy nhiên, bước này sẽ không được áp dụng cho xoài xuất khẩu sang Úc.

Xoài sau đó được phân loại theo kích thước, trọng lượng, giống, mức độ trưởng thành và tính đồng nhất.

Đóng gói, lưu trữ và phân phối:

Xoài thường được đóng gói vào thùng nhựa hoặc thùng các tông để xuất khẩu. Xoài sau khi đóng gói sẽ được dán nhãn nhằm mục đích truy xuất chất lượng.

Xoài được bảo quản trong kho lạnh (khoảng 13 độ C) trước khi xếp lên xe hoặc container lạnh và vận chuyển đến cảng hoặc sân bay để xuất khẩu.

Giống xoài

Có 46 giống xoài được trồng ở Việt Nam, trong đó các giống trồng thương mại bao gồm xoài cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu, xoài Hòn, xoài Xiêm núm, xoài Bưởi, xoài Cát bồ, xoài Thanh ca, xoài Canh nông, xoài Yên Châu.

Hai giống xoài dự kiến xuất khẩu sang Úc gồm xoài Cát Hoà Lộc và xoài Cát Chu.

Xoài Cát Hoà Lộc là một trong những giống xoài nổi tiếng nhất của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, giống xoài này được trồng đầu tiên tại xã Hoà Hưng – huyện Cái Bè – tỉnh Tiền Giang. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch 3,5-4 tháng. Giống xoài cát Hoà Lộc có trái to (trọng lượng trung bình 600-700 gr/trái), cơm dày, thịt dẻ, không có xơ, hột nhỏ, hương vị ngọt và rất thơm, cho năng suất trung bình 100kg/cây/năm (khoảng 10 năm tuổi) và khá ổn định. Tuy nhiên giống xoài này cũng có một số nhược điểm là ra hoa không đồng loạt, tỉ lệ đậu trái thấp, vỏ trái mỏng nên khó bảo quản và vận chuyển đi xa.

Xoài Cát Chu được trồng phổ biến ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, do đặc tính dễ đậu trái và cho năng suất cao trên 400kg/cây/năm (cây khoảng 10 năm tuổi) và khá ổn định. Trọng lượng trung bình khoảng 350g/trái, cơm dày, hột nhỏ, không xơ và hương vị rất thơm ngon.

Tình hình tiêu thụ xoài

Phần lớn xoài tiêu thụ trong nước được phân phối qua các chợ truyền thống do khoảng 90% người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua rau quả ở các chợ này. Khoảng 6% lượng xoài ở Hà Nội và 3% ở ở TP HCM được cung cấp bởi những người bán dạo. Các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị và các cửa hàng trái cây cao cấp mới chỉ phục vụ cho một phần rất nhỏ người tiêu dùng, chỉ khoảng 2% ở Hà Nội và 3,5% ở TP HCM. Nhìn chung mặc dù đã có sự cải thiện về thu nhập và mức sống, trong vòng 10 năm qua, người tiêu dùng tại Hà Nội và TP HCM vẫn chưa thay đổi nhiều về thói quen mua bán rau quả và các địa điểm mua bán.

Ngoài ra, những năm gần đây Việt Nam đã xuất khẩu xoài nhưng với khối lượng rất hạn chế. Năm 2001, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.000 tấn xoài và đạt 3,4 triệu USD vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, kể từ khi Thái Lan nhận được ưu đãi thuế quan (0%) so với Việt Nam (10%), khối lượng xuất khẩu xoài vào thị trường Trung Quốc giảm mạnh và hầu như không xuất khẩu được theo đường chính ngạch từ sau 2003 – 2010 mà chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch.

Xét về xuất khẩu chính ngạch, các thị trường xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam là Hàn Quốc (1.181 tấn, chiếm 43% tổng xuất khẩu xoài của Việt Nam), Nhật Bản (934 tấn, chiếm 34%) và Sigapore (186 tấn, chiếm 7%).

Hiện nay, một số nhà xuất khẩu đã quan tâm đến việc thâm nhập thị trường mới và  nâng cao giá trị xuất khẩu sang các thị trường truyền thống. Trong đó, xoài và một số loại trái cây khác (thanh long, nhãn, vải và chôm chôm) đã thâm nhập vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Giá trị xuất khẩu xoài và giá trị gia tăng của sản phẩm xoài cũng được cải thiện vì các thị trường này đã chấp nhận giá cao. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nhà máy xử lý chiếu xạ và nước nóng dựa trên đáp ứng yêu cầu của thị trường nghiêm ngặt. Ở Việt Nam, có hai nhà máy xử lý chiếu xạ bao gồm An Phú (tại Bình Dương và Vĩnh Long) và Sơn Sơn (TP.HCM) và hai nhà máy xử lý bằng nước nóng của Công ty Yasaka (Bình Dương) và Công ty Goodlife (TP HCM). Hầu hết các nhà xuất khẩu nhận thức được vai trò của  quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm vì vậy họ đã đầu tư vào bao bì và chế biến cũng như để đạt được các chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, BRC, HACCP… Công ty Hatchendo ở TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp liên kết với hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc để sản xuất “xoài cắt lát đông lạnh” nhằm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông.

Giống xoài chủ lực của Việt Nam hiện nay là cát Hòa Lộc. Xoài cát Hòa Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời năm 2012, HTX Hòa Lộc tổ chức sản xuất theo GAP, với 20,73 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cũng trong năm 2012, xoài cát Hòa Lộc được cấp chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2014, người nông dân sản xuất với quy trình cao hơn và được chứng nhận GlobalGAP. Sau khi được chứng nhận GAP, sản phẩm này được xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canađa, Nga… và tiêu thụ nội địa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Những khó khăn trong việc xuất khẩu xoài

Xoài cát Hoà Lộc là xoài chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, xoài cát Hòa Lộc sản lượng quá ít, giá thành cao. Một vài vùng xây dựng mô hình GlobalGAP, VietGAP, nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khó, nhiều mô hình đang bế tắc vì chi phí đạt chứng nhận cao, giá bán không tương xứng.

Xoài cát Hòa Lộc quá đắt khi bán trên thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu. Trong khi, xoài Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… chỉ có giá từ 20.000-30.000 đồng/kg; còn xoài cát Hòa Lộc lại có giá từ 50.000-90.000 đồng/kg. Trái xoài của các nước giá thấp, độ đồng đều cao, trái lớn vừa phải và rất dễ ăn. Xoài cát Hòa Lộc của chúng ta giá cao, thường dư nước, trái to… cho nên người dân một số nước không chuộng…

Ngoài ra, ở Việt Nam dù xoài Cát Hòa Lộc được đánh giá ngon, dạng trái đẹp, vỏ vàng, mỏng nhưng thị hiếu tiêu dùng các nước nhập khẩu là thích xoài có vỏ từ vàng đến đỏ như vỏ táo tây, thế nên các giống xoài từ Úc, Israel… có màu vỏ bắt mắt hơn. Cát Hòa Lộc năng suất kém, thịt mềm, thời gian tồn trữ ngắn, vỏ mỏng nên chuyên chở, bảo quản kém hơn.

Chúng ta cũng chưa có chiến lược phát triển, xúc tiến thương mại như một số nước để đưa trái xoài ra thế giới. Philippines có chiến lược phát triển xoài tra thị trường thế giới, là chương trình trọng điểm cấp quốc gia, nông dân toàn quốc áp dụng, trồng giống xoài ngon nhất, đạt chuẩn thu mua giá cao gần gấp đôi so với không đạt GAP. Hiện xoài trở thành “quốc quả” của Philippines, xuất khẩu sang nhiều nước. Thái Lan cũng triển khai chương trình GAP trên xoài với mục tiêu xuất qua Nhật, Úc…

Đối với xoài Việt Nam, chúng ta chỉ trồng chuyên canh tại một số địa phương, còn lại 95% diện tích xoài là vườn cây hỗn hợp (trồng chung với cây khác). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp, tuy sản lượng xoài đạt khá hơn nhưng xoài cùng kích cỡ, màu sắc, trọng lượng rất ít nên chỉ tiêu thụ trong nước, việc xuất khẩu không đáng kể. Ngoài ra còn có thực trạng cây giống kém, trồng quản canh nên chất lượng không cao, tiêu thụ khó. Một hạn chế nữa là canh tác xoài hiện nay còn sử dụng nhiều phân hóa học, ít dùng phân hữu cơ. Thuốc bảo vệ thực vật dùng rất nhiều loại và rất đa dạng, nhà vườn có thể sử dụng 8-10 loại thuốc phun.

Các tỉnh có lợi thế phát triển xoài theo hướng hàng hóa lớn theo tiêu chuẩn VietGAP như Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Khành Hòa… cần xác định vùng trồng, tổ chức nghiên cứu, so sánh các giống xoài nhập nội để chọn giống phù hợp, đồng thời loại bỏ những giống không nên trồng. Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh, quy trình xử lý ra hoa trái vụ, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến… Từ đó phổ biến rộng cho từng nhà vườn.

Bài viết liên quan