Nhân giống: Xoài được trồng bằng hai phương pháp chính:
1. Trồng từ hột:
+ Chọn cây mẹ có phẩm chất ngon, năng suất cao, cho trái ổn định.
+ Chọn trái già, bao hạt cứng hoàn toàn.
+ Cách ương: Lột bỏ bao cứng của hạt, xếp úp mặt bụng của hạt xuống mặt đấtnhuyễn, sau đó phủ lên cho kín hạt bằng tro trấu hoai, phân hữu cơ hoai mục và tưới nước giữ ẩm sau 1 – 2 tuần cây con sẽ mọc lên ( một hạt có 2 – 5 cây ). Khi cây con cao 20 – 25 cm, lá đã xanh đậm, tiến hành tách cây con đưa ra liếp ương; nên chọn những cây phát triển đồng đều nhau, loại bỏ những cây phát triển quá nhanh, những cây ốm yếu.
Liếp ương phải được vun cao 20 – 30 cm để cho đất thoát nước, kích thước liếp ương: ngang 1 – 1,5m, chiều dài tùy ý. Khoảng cách đặt cây con 20 – 25 cm. Có thể đặt cây con thẳng vào bầu nylon ( kích thước bầu 10 x 20 cm ) thay cho liếp ương.
Để cây con phát triển nhanh, khi cây con còn trong liếp ương hoặc trong bầu nylon cần phải bón phân, tưới nước và phòng trị sâu bệnh kịp thời, nhất là các bệnh ở gốc, rễ làm chết cây.
Sau 6 tháng có thể đem đi trồng ngoài vườn , cây con đem trồng cần loại bỏ những cây có thân lá khác với đặc tính cây giống đã chọn để tránh cây có khả năng biến đổigiống.
2. Trồng từ cây ghép:
Xoài trồng bằng phương pháp ghép sẽ cho trái sau 3 năm và ổn định sau 5 năm. Nếu trồng bằng cây ghép cần lưu ý các việc sau: Cây làm gốc ghép phải chọn các giống xoài có tính thích nghi rộng, cây phát triển mạnh, chịu được úng, phèn mặn và ít sâu bệnh như các giống xoài Lai, xoài Thanh Ca, xoài Hòn, Cát Chu, … .
Cây lấy bo (mắt ghép) hoặc lấy đọt (cành ghép) thì chọn cây khỏe mạnh, có phẩm chất trái ngon.
ĐẤT TRỒNG
- Thiết kế mương liếp:
Đất trồng cây ăn trái ở Tiền Giang phải xẻ mương lên liếp và xây dựng hệ thống đê bao, cống bọng để chủ động tưới nước trong mùa nắng và thoát nước trong mùa mưa lũ. Kích thước của mương liếp phụ thuộc vào các yếu tố sau đây: – Mực thủy cấp trong mương vườn – Độ dày tầng đất mặt – Độ sâu của tầng phèn – Giống cây trồng và chế độ nuôi xen trong vườn
Những vùng đất có độ dày tầng mặt mỏng, đỉnh lũ cao, tầng phèn cạn thì thiết kế liếp đơn 4 – 5m thích hợp cho lối độc canh. Đất có độ dày tầng mặt sâu, đỉnh lũ vừa phải thì thiết kế liếp đôi 8 – 10m để thuận tiện cho việc trồng xen các loại cây khác.
- Chuẩn bị mô trồng:
Mô được đắp bằng lớp đất mặt rộng 0,8 – 1m, cao 30 – 50 cm; trộn đất mô với 10 – 20kg phân chuồng hoai và 200gr super lân. Mô phải được chuẩn bị 1 tháng trước khi trồng.
CÁCH TRỒNG
- Thời vụ trồng: Nếu chủ động được nước thì có thể trồng bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên nếu trồng được vào đầu mùa mưa thì đỡ công tưới.
- Khoảng cách trồng: Tùy theo giống xoài mà bố trí khoảng cách cho hợp lý, thường thì: – Xoài Bưởi khoảng cách trồng 6 – 8m, – Xoài Cát Hòa Lộc khoảng cách trồng 8 – 10m, – Xoài Cát Chu, Xoài Hòn, Xoài Châu khoảng cách trồng 10m.
- Cách trồng: Khoét lỗ trên mô vừa bầu cây con, đặt cây vào lấp đất lại vừa bằng mặt bầu, cắm cọc buộc dây giữ không cho cây lung lay.
CHĂM SÓC CÂY CON
– Tưới nước: Cần tưới đủ nước cho cây xoài khi nắng hạn để giúp cây con hấp thụ dinh dưỡng tốt, ra đọt được liên tục.
– Bón phân: Đối với cây trên 1 năm tuổi, mỗi năm bón 300gr phân 20 – 20 – 15, chia làm nhiều lần bón vào thời điểm lá trên ngọn đã xanh đậm. Năm đầu tiên nên hòa phân vào nước để tưới.
Vào đầu mùa nắng hàng năm có thể xới gốc bón thêm 5 – 10kg phân chuồng hoai kết hợp với việc bồi bùn non lắp phân lại.
– Tỉa cành, tạo tán: Khi cây con được 4 – 5 tầng lá (cao 0,8 – 1m) thì bấm đọt để cho cây ra cành cấp 1, tỉa bỏ chừa lại 3 chồi mọc về 3 hướng đều nhau. Khi chồi cấp 1 được 2 tầng đọt tiến hành bấm đọt, tiếp tục như thế đến khi cây có đọt cấp 5. Việc bấm ngọn này giúp cho cây có tán tròn đều, thấp, tiện cho việc chăm sóc bông, trái sau nầy.