Sâu hại cây xoài vào các thời kỳ ra hoa, đậu trái và trái non. Nếu thăm vườn phát hiện các loài sâu dưới đây thì phải phát hiện và xử lý nhanh để tránh ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.
1. Bọ cắt lá: (Deporaus marginatus-Curculionidae-Coleoptera)
- Bọ cắt lát là loài bọ cánh cứng, tác hại chủ yếu do bọ trưởng thành cắt lá và gặm lá non làm khuyết hoặc đứt cả lá, cành non có thể bị trụi lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng và ra hoa kết quả.
- Ở ĐBSCL bọ xuất hiện quanh năm. Mật độ cao vào giai đoạn cây xoài ra lá non từ tháng 1-3. Sử dụng nấm xanh – nấm trắng để diệt trừ và giảm thiểu mật độ gây hại của bọ theo thời gian.
Cách hạn chế:
- Thu gom tiêu hủy các lá non bị cắt rơi xuống đất.
- Những vườn bị hại nặng nên cày xới đất phía dưới tán lá cây bị hại để diệt nhộng.
- Sử dụng nấm xanh – nấm trắng để diệt trừ và giảm thiểu mật độ gây hại của bọ theo thời gian.
2. Câu cấu xanh lớn: (Hypomeces squamosus-Coleoptera-Cucurlionidae)
- Là loài bọ cánh cứng, hình bầu dục, dài 7-10mm. Tác hại chủ yếu là do bọ lớn ăn khuyết lá, cắn đứt chồi non và rụng hoa, mật độ cao ăn lá xơ xác. Phá hại nhiều cây như: bắp, đậu, bông, chè cam quýt, chôm chôm, nhãn, xoài.
- Vòng đời 50-60 ngày, bọ trưởng thành có thể sống và phá hại hàng tháng.
Cách hạn chế:
- Dùng tay hoặc vợt bắt bọ lớn hoặc sử dụng nấm xanh nấm trắng để phun. Nấm xanh nấm trắng sẽ ký sinh trên cơ thể loài gây hại này và tiêu diệt chúng trong vòng 3–7 ngày.
- Thăm vườn thường xuyên nhằm phát hiện sớm để có hướng giải quyết kịp thời.
3. Rầy bông xoài: (Idioscopus niveosparsus-Homoptera-Cicadellidae)
- Thường xuất hiện khi cây xoài bắt đầu trổ bông, mật độ giảm dần khi trái phát triển. Một con rầy cái đẻ từ 100 – 200 trứng và thường đẻ trong nụ hoa, gân lá, cuống chồi non và cuống hoa. Khi mật độ rầy cao có thể nghe thấy tiếng rầy nhảy xào xạc trong lá. Rầy non mới nở thường sợ ánh sáng nên các vườn xoài rậm rạp thường hay bị bệnh rầy bông nặng hơn. Cả rầy trưởng thành lẫn rầy non đều chích hút nhựa bông và lá non. Bông xoài bị rầy chích sẽ chuyển màu nâu, khô và rụng. Ngoài ra, chỗ vết chích, đẻ trứng của rầy trên bông và cuống non cũng gây vết thương có thể làm chết khô bộ phận này.
- Ngoài ra, rầy bông xoài còn tiết ra chất mật ngọt làm môi trường cho nấm bồ hóng phát triển trên lá và hoa ảnh hưởng đến quang hợp của cây.
Cách hạn chế:
- Sau khi thu hoạch, xén tỉa cành và vệ sinh vườn thông thoáng.
- Trước khi cây ra hoa từ 1-2 tuần dùng bẩy đèn bắt Rầy trưởng thành.
- Khi xoài vừa ra nụ có thể phun thuốc CNX-RS để diệt rầy.
4. Rệp sáp phấn: (Rastrococcus spinosus- Homoptera-Pseudococcidae)
Rệp sáp trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa trên hoa và quả xoài. Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa, rệp sáp còn tiết mật ngọt làm bồ hóng phát triển nơi rệp sáp sinh sống. Quả bị nhiễm có thể ngừng phát triển, chay sượng và rụng.
Cách hạn chế:
- Sử dụng thiên địch của rệp sáp như: bọ rùa, ong ký sinh.
- Dùng vòi bơm nước có áp suất mạnh tia xịt nước trực tiếp vào chỗ có nhiều rệp sáp bu bám sẽ rửa trôi nó.
- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là giai đoạn cây có đọt non, lá non, bông, trái. Bà con sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh nấm trắng kết hợp với nano đồng. Bà con cho phun định kỳ 7-10 ngày/lần.
5. Bọ trĩ: (Scirtothrips dorsalis – Bộ: Thysanoptera)
Bọ trĩ là sâu hại phổ biến trên cây xoài. Đây là loại côn trùng rất nhỏ (có thể thấy được bằng mắt thường), thân hình thon dài, miệng rất cứng, khỏe, phá hoại bằng cách dùng miệng cạp và đục thủng vào bộ phận non của cây như lá non, chồi, bông, trái,…để hút nhựa.
6. Sâu đục trái (hột) Xoài: (Deanolis albizonalis – Pyralidae – Lepidoptera)
- Con trưởng thành là một loại bướm tương đối lớn, sải rộng cánh đến gần 3cm, thân mình màu nâu đỏ, có khoang trắng đỏ xen kẽ. Cánh trước màu nâu, cánh sau màu trắng xám, hoạt động về ban đêm. Đẻ trứng trên vỏ trái xoài còn non, nhất là những trái nằm khuất ánh sáng. Trứng hình bầu dục, rất nhỏ nên mắt thường khó phát hiện.
- Khi quả bị sâu hại, phần chóp quả có một chất lỏng tiết ra ở vết đục và nhanh chóng hình thành chấm đen. Sâu tấn công chủ yếu phần hột. Các đường đục sẽ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, ruồi phát triển làm cho quả xoài bị thối nhanh chóng.
- Sâu tấn công ở các giai đoạn phát triển của quả nhưng sâu rất thích tấn công khi quả còn non. Thường mỗi quả có từ 1-2 con, nhưng vào những lúc bị nhiễm nặng có thể tới 4-5 con trong một quả. Khi bị tấn công vào giai đoạn quả nhỏ, quả sẽ bị rụng. Vào giai đoạn quả lớn, quả có thể vẫn còn dính trên cây.
Cách hạn chế:
- Để xử lý sâu đục trái xoài trước hết bà con tỉa bỏ những phần bị bệnh đem đi tiêu hủy. Sau đó bà con sử dụng chế phẩm trừ sâu sinh học BT (Bacillus thuringiensis) định kỳ 7-10 ngày/lần.
- Kiểm tra vườn thường xuyên, thu gom và đem đi tiêu hủy toàn bộ số trái bị sâu gây hại còn nằm trên cây hay đã rụng xuống đất để diệt, hạn chế mật độ sâu ở những vụ kế tiếp.
7. Nhện đỏ: (Oligonichus sp.-Arachnida-Acarina)
- Nhện tập trung gây hại trên các lá bánh tẻ và lá già, ít có trên lá non. Sống tập trung thành từng đám ở mặt dưới lá, xung quanh gân chính hoặc cạnh mép lá.
- Nhện dùng kim chích ở miệng châm vào lá hút nhựa tạo thành các chấm nhỏ lúc đầu màu trắng, sau chuyển màu nâu đồng hoặc trắng bạc. Chổ nhện tập trung tạo thành 1 mảng màu nâu đồng.
- Bị hại nặng toàn bộ lá mất màu xanh bóng mà chuyển sang màu nâu hoặc xám bạc, lá khô và rụng. Trên lá có các vết bụi trắng,đó là xác lột của nhện và vỏ trứng.
- Đôi khi nhện hại cả trên quả và gây hiện tượng quả bị da cám giống như trên cam quýt.
- Nhện phát sinh nhiều trong điều kiện nóng và khô.
- Vòng đời 10-12 ngày.
- Có nhiều thiên địch và ký sinh.
Cách hạn chế:
- Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt.
- Khi nhện phát sinh nhiều phun Nấm xanh nấm trắng để diệt trừ.
8. Ruồi đục quả: (Bactrocera dorsalis)
- Ruồi có kích thước nhỏ, ruồi đục trái khi trưởng thành có màu nâu vàng với các vạch đen trên bụng. Trứng được đẻ dưới lớp vỏ quả, mỗi ổ từ 1 – 40 trứng.
- Ruồi đục trái có đặc điểm là thích đẻ trứng trên trái chín, ấu trùng ăn phá bên trong làm cho quả bị thối. Xoài bị ruồi đục trái rất khó xuất khẩu vì đây là đối tượng kiểm dịch của nhiều nước.
Cách hạn chế:
- Để diệt được ruồi đục trái bà con nên vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom tiêu hủy các quả bị bệnh, bị rụng. Khi xoài to bằng quả trứng gà bà con nên bao trái, ngoài việc ngừa ruồi đục trái, bao trái còn giúp phòng bệnh thán thư, thối đáy trái, sâu đục hột…Tuy bao trái tốn công sức, thời gian, nhưng tiết kiệm chi phí và làm trái có mẫu mã đẹp, hấp dẫn hơn.
- Ruồi đục phá hầu hết các loại trái cây, kể cả các loại rau như khổ qua, dưa leo, bầu bí mướp.
- Ruồi cái dùng kim đẻ trứng qua lớp vỏ trái. Giòi nở ra đục phá trái làm trái thối rụng. Khi lớn, giòi chui khỏi trái để rơi xuống đất hóa nhộng trong đất. Thường phát sinh thành dịch trong mùa nắng.
Sâu hại trên cây xoài sẽ không là vấn đề gì quá lớn nếu bà con chủ động thăm khám vườn thường xuyên, phát hiện sâu bệnh sớm và có hướng giải quyết kịp thời.